Vạn niên thanh, lan ý, kim tiền… giúp cho nhà xanh mát nhưng sẽ gây độc nếu trẻ nhỏ tò mò ăn lá.
Bố trí cây xanh trong nhà chắc chắn sẽ khiến không gian đẹp hơn, xanh mát. Một số loại cây còn có tác dụng lọc không khí, hút độc. Tuy nhiên, một số loại cây có thể gây nguy hiểm với trẻ mới biết bò, đi, tò mò cho lá cây vào miệng. Các em nhỏ có thể bị kích ứng da khi chạm hoặc ngộ độc nếu ăn lá cây.
Guy Barter, Trưởng nhóm làm vườn tại Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia Anh (RHS), nói với The Sun: “Cây trồng trong nhà rất hiếm khi gây hại cho con người. Bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào đều nhỏ so với những lợi ích cải thiện sức khỏe và hạnh phúc đã được chứng minh. Tuy nhiên, rất không khôn ngoan nếu ăn bất kỳ loại thực vật nào trong nhà hoặc ngoài trời không được trồng với mục đích làm thực phẩm”.
Ông Barter cho rằng nên có cảnh báo với người mua về những cây trồng trong nhà có khả năng gây hại cho trẻ nhỏ.
Vạn niên thanh
Những chiếc lá lốm đốm, thân hoặc rễ của loài cây xinh đẹp này rất độc nếu ăn phải. Vạn niên thanh còn có tên là “cây câm” do một tác dụng phụ khác. Nhai lá vạn niên thanh chứa axit oxalic có thể gây sưng và rát trong miệng, khiến người bệnh không nói nên lời.
Theo Mount Sinai, các triệu chứng khi ăn phải loại cây này bao gồm nóng miệng và cổ họng, tiêu chảy, khàn giọng, chảy nước dãi, buồn nôn, nôn, đau khi nuốt, sưng miệng và lưỡi. Các chuyên gia cho biết, một số tác dụng phụ khác bao gồm kích ứng da và mắt, tổn thương giác mạc.
Nếu trẻ nhai lá vạn niên thanh, bạn nên lau miệng bé bằng mảnh vải ướt, lạnh và rửa sạch mắt và da nếu có tiếp xúc với cây.
Môn cảnh
Cây có vẻ ngoài dễ nhận biết nhờ những chiếc lá loang màu hồng hình trái tim. Theo RHS, lá môn cảnh có thể có hại nếu ăn phải vì chứa các tinh thể oxalate tương tự như vạn niên thanh. Cây cũng có thể gây kích ứng mắt và da.
Các triệu chứng khi ăn các bộ phận của môn cảnh gồm nóng miệng hoặc cổ họng, sưng, phồng rộp miệng, lưỡi, khàn tiếng, nói khó, buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Nếu trẻ để lá cây chạm vào mắt có thể gây đau mắt, tổn thương giác mạc.
Hồng môn
Cây hồng môn còn được gọi là hoa hồng hạc với những chiếc lá màu đỏ bóng. Nếu ăn phải lá cây này, mọi người sẽ có cảm giác nóng rát, đau đớn, sưng tấy trong miệng, khó khăn khi nuốt và giọng nói khàn đục. Hầu hết các triệu chứng sẽ giảm dần theo thời gian. Nước lạnh, thuốc giảm đau và cam thảo được cho có tác dụng giảm các triệu chứng này.
Trầu bà lá xẻ
Cây trầu bà lá xẻ còn được gọi là cây phô mai Thụy Sĩ vì có lá đục lỗ giống như những miếng phô mai. Hiện tại, nhiều gia đình ưa chuộng trồng cây này trong nhà bởi vẻ đẹp khác lạ.
Nhưng đó là một trong những loại cây có thể gây hại nếu trẻ em tò mò nhai lá có chứa các tinh thể oxalate. Cây trầu bà lá xẻ cũng có thể gây kích ứng da và mắt.
Lan ý
Cây lan ý nở hoa màu trắng tuyệt đẹp nên có những tên gọi mỹ miều như vỹ hoa trắng, huệ hòa bình. Nhưng ăn bất kỳ bộ phận nào của cây đều có thể dẫn đến kích ứng miệng và cổ họng, sưng môi, ho, buồn nôn và nôn.
Kim tiền
Cây có những chiếc lá hình bầu dục, màu xanh đậm, sáng bóng, mọc ra từ thân thẳng. Theo Queensland Health, các bộ phận của cây đều có độc, nếu nhai, nuốt phải có thể lập tức gây đau đớn hoặc cảm giác nóng rát, sưng môi, miệng, lưỡi, cổ họng.
Cây gia vị thơm lừng có vô số tác dụng nhưng không nên ăn nhiều
Cây sả được sử dụng phổ biến trong các món ăn của Việt Nam, tốt cho đường ruột, miễn dịch nhưng ăn nhiều có thể gây tác dụng phụ.
Nơi bẩn nhất trên máy bay
Bạn có thể bất ngờ khi biết rằng nơi bẩn nhất trên máy bay không phải phòng vệ sinh mà là bàn gập phía sau ghế.