Ưu điểm thường được nhắc tới nhất của bì lợn là chứa collagen tốt cho da, tóc. Ngoài ra, bì lợn còn có nhiều loại vitamin, sắt, canxi.
Cơ thể con người tạo thành từ rất nhiều mô khác nhau bao gồm da, xương và cơ. Một tỷ lệ lớn các mô này được làm từ các loại protein khác nhau. Protein phong phú nhất trong cơ thể con người, chiếm khoảng 25-35%, là collagen giúp tăng tính đàn hồi cho da, tăng sức mạnh cho mạnh máu, tốt cho xương khớp.
Trong quá trình lão hóa tự nhiên, chúng ta bắt đầu mất collagen từ những năm 20 tuổi khiến da dần nhăn nheo, chảy xệ và cảm thấy đau, khó chịu ở các khớp.
Vì những lý do này, một số người chọn bổ sung collagen từ thực phẩm có nguồn gốc động vật, vì nhiều loài (bao gồm lợn) có cấu trúc collagen tương tự như con người.
Trong 150g bì lợn có 11g protein, chủ yếu là keratin, elastin và collagen hợp thành. Collagen tương tự xi măng để gắn kết các tế bào thành mô cơ thể vững chắc. Collagen lợn được coi giống collagen người hơn collagen bò và do đó, dễ hấp thu và dung nạp hơn. Ngoài ra, phần bì lợn thường có giá rẻ, thậm chí ngoài chợ, người bán có thể cho không lấy tiền.
Collagen lợn rất giàu collagen loại I và III, chủ yếu được tìm thấy trong da. Do đó, bổ sung collagen từ lợn có thể hỗ trợ sức khỏe và cấu trúc của da, giảm thiểu sự xuất hiện của nếp nhăn và da chảy xệ.
Ngoài ra, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong khẩu phần 150g bì lợn luộc có 970 calo, 102g chất béo (37g chất béo bão hòa), 11g protein, 122mg cholesterol, 590mg muối. Bì lợn còn chứa vitamin A, C, D, sắt, canxi, kali.
Bì lợn có hàm lượng carbohydrate thấp, hầu như không có đường. Do đó, món ăn này thích hợp với những người có nhu cầu giảm cân.
Lý do không nên ăn quá nhiều
Tuy nhiên, bì lợn cũng có những nhược điểm khiến chúng ta không nên ăn quá nhiều. Trong 150g bì có tới 122mg cholesterol và 37g chất béo bão hòa. Các thành phần này kết hợp với nhau gây ra tác hại cho sức khỏe, có thể làm tắc nghẽn động mạch dẫn đến đau tim.
Không chỉ vậy, hàm lượng muối cao (gần 0,6g natri trong 150g bì) cũng không tốt cho cơ thể. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ ít hơn 2g natri mỗi ngày.
Khi lượng natri quá nhiều, cơ thể sẽ giữ nước trong máu để pha loãng natri. Quá trình này làm cho thể tích máu tăng lên, gây áp lực lên mạch máu, tăng huyết áp, ảnh hưởng xấu tới tim mạch.
Một số tác hại khác của dư thừa natri kéo dài là loãng xương, sỏi thận, béo phì, bệnh dạ dày, đường tiêu hóa.
Thêm vào đó, lượng chất béo, natri cao, thiếu các axit amin cần thiết khiến bì lợn khó tiêu nếu ăn nhiều.
Cách ăn tốt cho sức khỏe: ‘4 chân không bằng 2 chân, 2 chân không bằng 1 chân’
Quan điểm dinh dưỡng xưa và nay đều cho rằng rau quả tốt hơn gà, vịt (loài 2 chân) và bò, lợn (loài 4 chân).
Bộ phận nào của lợn nên ăn và phần phải tránh?
Bì lợn tốt cho da, tóc trong khi nội tạng như ruột dễ dẫn tới tăng huyết áp, độ nhớt trong máu cao.