Cà chua là thực phẩm phổ biến có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe từ bổ mắt tới phòng ngừa ung thư, mỡ máu, ngăn chặn biến cố tim mạch, tăng sức đề kháng.
Các thành viên trong gia đình tôi đều thích ăn cà chua. Tôi dùng cà chua làm canh, nước ép, salad. Khi có người ốm, mẹ tôi thường nấu chín cà chua, nghiền nát, lọc lấy nước uống. Xin chuyên gia tư vấn sử dụng cà chua sống hay chín sẽ tốt hơn? Xin cảm ơn. (Vũ Minh Hằng – Thanh Xuân, Hà Nội)
Lương y Bùi Đắc Sáng – Hội Đông Y Hà Nội trả lời:
Cà chua có nhiều loại khác nhau tùy theo mỗi nơi trồng. Ví dụ cây cà kiu (cà chua ta) có lá mỏng, quả hình cầu bé, chua hơn. Loại quả to gọi là cà chua tây có nguồn gốc ở Nam Mỹ, nay được trồng phổ biến khắp nước ta để lấy quả ăn, nấu canh giấm, làm mứt, tương ớt, xốt cà chua…
Cà chua là loại thực phẩm hằng ngày nhưng nhiều người không biết rõ tác dụng như thế nào. Loại quả này chứa nhiều lycopene là chất chống oxy hóa rất tốt với sức khỏe. Một số nghiên cứu cho thấy chất này hỗ trợ ngăn ngừa bệnh lý tim mạch, mỡ máu; có khả năng dự phòng ung thư.
Bảng so sánh dinh dưỡng của cà chua và các thực phẩm khác (100g):
Thành phần | Cà chua | Cà pháo | Bầu | Bí đao | Bí đỏ |
Protein | 0,6g | 1,5g | 0,6g | 0,4g | 0,5g |
Glucid | 4,2g | 3,6g | 2,9g | 2,4g | 6,2g |
Canxi | 12mg | 12mg | 21mg | 26mg | 24mg |
Phốt pho | 16mg | 16mg | 25mg | 23mg | 16mg |
Sắt | 1,4mg | 0,7mg | 0,2mg | 0,3mg | 2,5mg |
Carotene | 2mg | 0,04mg | 0,02mg | 0,01mg | 0,02mg |
Trong 100g cà chua chứa 20% lượng vitamin A cần cho mỗi ngày; vitamin C (20-25%) tăng cường miễn dịch. Vì vậy, khi bạn ốm, mệt mỏi, bổ sung cà chua sẽ tăng cường đề kháng. Cà chua còn giàu vitamin K tốt cho thành mạch, có khả năng chống đông máu. Cà chua có kali tăng đào thải muối, tốt cho người bị tăng huyết áp.
Theo Đông y, cà chua có tính chua, ngọt, nhạt, mát, có tác dụng bổ huyết, sinh tân dịch, giúp tiêu hóa, điều hòa bài tiết.
Cà chua có thể ép nước dành cho trường hợp suy nhược cơ thể, ăn không ngon miệng, nhiễm độc mạn tính, bị sung huyết, máu đặc dính (mỡ máu), xơ cứng tiểu động mạch, đau khớp, thống phong, urê huyết cao, sỏi niệu đạo, sỏi mật, táo bón, viêm ruột.
Cà chua có hai cách sử dụng là nấu chín hoặc ăn sống. Cà chua chứa lycopene khi nấu chín sẽ giúp tăng hấp thụ hơn khi ăn sống. Cà chua cũng có axit oxalic, nếu ăn nhiều dễ gây sỏi thận nhưng nấu chín, axit này có thể bay hơi.
Một số nghiên cứu cho rằng cà chua nấu chín tốt hơn ăn sống. Tuy nhiên, theo tôi, bạn chọn nấu chín hay ăn sống tùy vào món ăn. Ví dụ, khi làm salad, nước ép, bạn có thể ăn sống cà chua như trái cây thông thường. Cà chua cũng có thể nấu chín khi làm các món xốt, hấp, nước canh.
Lưu ý, người đang dùng thuốc chống đông hạn chế ăn cà chua. Người đau dạ dày, tá tràng cẩn trọng vì cà chua vẫn chứa axit gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Không nên dùng cà chua chưa chín vì chứa chất kiềm, ăn xong thấy vị chát ở miệng, ăn nhiều dễ bị trúng độc.
Giảm cân nhờ ăn cà chua hằng ngày
Cà chua có lượng calorie thấp, nhiều chất xơ giúp no lâu sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình giảm cân.