Quả đào đem lại nhiều giá trị dinh dưỡng, giúp cơ thể chống lại các gốc tự do, ngăn ngừa ung thư và bảo vệ tim mạch nhưng một số người dễ bị dị ứng khi ăn.
Tôi thấy quả đào được bán rất nhiều, màu xanh và màu hồng, người bán quảng cáo đây là loại quả có nhiều giá trị dinh dưỡng, nhưng tôi băn khoăn có phải ai cũng ăn được loại quả này? (Quỳnh Như, Hà Nội).
Tiến sĩ, Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, tư vấn:
Đào là loại trái cây được yêu thích bởi hương vị thơm ngon. Ngoài nhiều vitamin và khoáng chất, hàm lượng calo thấp, đào cũng chứa các chất chống oxy hóa, bao gồm tất cả 5 phân loại của carotenoid; là một nguồn cung cấp vitamin A và vitamin C, cùng với chất xơ có lợi.
Một quả đào cỡ trung bình (đường kính khoảng 5cm) chứa khoảng: 59 calo; 14g carbohydrate; 1,4g protein; 0,4g chất béo; 2,3g chất xơ; 10mg vitamin C; 489 IU vitamin A; 285mg kali, 14mg magie; 0,4mg sắt…
Quả đào nên được sử dụng khi còn tươi để có được lợi ích tốt nhất. Đào đông lạnh và đóng hộp tuy có thể bảo quản lâu hơn nhưng lại mất khoảng 21% lượng chất chống oxy hóa.
Các chất dinh dưỡng trong đào giúp cơ thể chống lại các gốc tự do, ngăn ngừa ung thư và bảo vệ tim mạch, giảm mức độ viêm trong cơ thể. Các hoạt chất trong đào ngăn chặn việc sản xuất cytokine gây viêm và ngăn chặn giải phóng histamine trong máu gây ra các phản ứng dị ứng.
Cùi và vỏ tươi từ quả đào có khả năng chống lại chứng viêm gây chết tế bào trong cơ thể, khiến quả đào trở thành thực phẩm chống viêm tốt.
Điều mang lại sức mạnh cho quả đào không chỉ là sự hiện diện của các hoạt chất riêng lẻ, mà là kết quả sự kết hợp các hoạt chất chứa trong đào. Điều này giải thích khả năng chống lại các triệu chứng nấm candida của quả đào khi có sự kết hợp polyphenol, bioflavonoid và tannin.
Đào có chứa các chất chống oxy hóa mạnh mẽ như lutein, có tác dụng bảo vệ và giúp đôi mắt khỏe mạnh. Các carotenoid tích tụ trong mô điểm vàng của mắt ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, một nguyên nhân liên quan đến gây mù và mờ mắt.
Mặc dù quả đào bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cho chế độ ăn uống, nhưng vẫn có tỷ lệ nhỏ người bị dị ứng với đào. Phản ứng thường nhẹ mà hầu hết mọi người gặp phải được gọi là hội chứng dị ứng miệng (xảy ra khi cơ thể có sự nhầm lẫn giữa protein có trong thực phẩm với protein của phấn hoa).
Hạt đào có một lượng nhỏ xyanua, tuy không đủ để gây hại cho cơ thể trong thời gian ngắn nhưng nếu vô tình ăn nhiều hạt đào và có các biểu hiện bất thường cần phải gặp bác sĩ ngay. Đào nhân được dùng làm thuốc cũng cần được thầy thuốc chỉ định và kê đơn, không nên tự ý sử dụng.
Người mắc bệnh tiểu đường, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, người bị nhiệt (nóng trong) không nên ăn quá nhiều đào.
5 nhóm người tuyệt đối không nên ăn nhãn
Những người bị tiểu đường, gan nhiễm mỡ, mụn nhọt ăn nhiều nhãn có thể khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Một loại quả, 2 loại nước nuôi dưỡng gan khỏe mạnh
Trà, cà phê và nho được đánh giá cao nhờ những lợi ích đặc biệt với gan.
Thực hư tác hại của loại gia vị từng rất phổ biến trong bữa cơm người Việt
Mì chính từng rất phổ biến trong căn bếp của các gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người cho rằng loại gia vị này gây nguy hại cho sức khỏe. Liệu quan niệm này có chính xác?