Đặt đồ ăn qua ứng dụng tiện lợi, tiết kiệm và đa dạng nên được nhiều người lựa chọn nhất là giới trẻ, dân văn phòng.
Chị Hà Minh Thu (trú tại Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) sống một mình nên rất ngại nấu nướng. Trước đây, khi đi làm về, chị thường ghé quán nào đó ăn xong mới vào nhà. Từ ngày dịch bệnh, việc đặt đồ ăn qua ứng dụng nở rộ và chị Thu cũng trở thành người ăn uống “qua app”.
Mỗi lần đi làm về chị đều thư thái nghỉ ngơi, tắm gội và thư giãn, sau đó lên các ứng dụng tìm đồ ăn. Các món ăn từ đồ ăn nhẹ tới cơm, bún, miến. Giá cả đủ loại bình dân tới cao cấp. Kinh nghiệm mua hàng của chị Thu là đặt mua ở quán quen hoặc những quán mới, món mới chị phải đọc thêm đánh giá của khách hàng mới quyết định đặt, tranh thủ mua khi được tặng mã khuyến mại.
Hơn 3 năm ăn uống qua ứng dụng, chị Thu cũng nhiều lần mua phải hàng kém chất lượng và phổ biến nhất hàng không đầy đặn, ngon như ảnh. Ví dụ, khi mua bánh xèo người ship mang đến là gói bánh đựng trong túi nilon, mắm nêm cũng gói túi, rau sống dập nát thậm chí còn sạn. Lần khác, chị mua patê, khi nhận hàng thật hàng xỉn màu, tanh, không thơm ngon.
Các sự cố khác như đồ ăn nguội, thiếu, mặn, ngọt, nhiều dầu mỡ, mì chính hay giao chậm xảy ra thường xuyên nhất là những ngày trời mưa, nắng nóng hoặc lễ tết. Nhiều lần, chị Thu mua xong suất ăn rồi bỏ không ăn được.
PGS Trần Hồng Côn – nguyên Giảng viên trường Đại học Khoa học tự nhiên, Hà Nội, cho rằng giới trẻ thích hàng online vì đa dạng, nhiều món ngon. Tuy nhiên, các cơ sở bán hàng online đều kinh doanh tự phát, không có giấy phép, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm.
Người mua dựa vào đánh giá của người mua trước và quảng cáo của chủ hàng nên khó kiểm chứng. Nhiều cửa hàng trong ngõ sâu, thiếu điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, ngoài sự tiện lợi, mua đồ ăn online cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm…
Mua trực tiếp, người dùng còn có thể nhìn trực tiếp sản phẩm, cơ sở sản xuất, vệ sinh của cửa hàng. Ông Côn cho rằng người dân không nên lệ thuộc quá nhiều vào mua online.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cũng cho biết việc đặt đồ ăn qua mạng khá phổ biến do sự phát triển của công nghệ, đặt đồ ăn qua mạng tiết kiệm được thời gian, chi phí qua hình thức ưu đãi, khuyến mại. Ngoài ra, mua trên mạng còn đa dạng nên người dân đặt qua ứng dụng nhiều hơn.
Mặt trái đặt đồ ăn qua mạng là vấn đề an toàn thực phẩm. Các gian hàng bày bán trên online không phải tất cả đều đảm bảo an toàn thực phẩm, có giấy tờ đầy đủ. Nhiều quán vỉa hè, xe hàng rong cũng đăng ký trên ứng dụng giao hàng và bán cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, quá trình vệ sinh trong vận chuyển đồ ăn cũng khó được đảm bảo. Các hộp đựng đồ ăn này cũng tiềm ẩn ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng khi ăn các sản phẩm chứa trong hộp chứa này.
Bác sĩ Thu khuyến cáo thêm, các đồ ăn nhanh trên mạng đa dạng nhưng phần lớn món ăn dựa trên thị hiếu của giới trẻ giàu năng lượng nhưng thiếu dinh dưỡng. Thức ăn thường chứa hàm lượng muối, đường, chất béo xấu rất cao. Người ăn nên lựa chọn các món ăn cân đối về dinh dưỡng, không nên lựa chọn theo sở thích có thể dẫn tới mất cân bằng dinh dưỡng.
Nguyễn Trần Chung, Lê Thị Như Quỳnh, Nguyễn Thành Huế
Người dân không nên dùng củ, quả lạ tránh ngộ độc thực phẩmMột số loại củ chỉ dùng để ngâm rượu, chữa bệnh nhưng người dân lại nấu canh, cháo để ăn dẫn tới ngộ độc nặng phải nhập viện cấp cứu.
Hơn 30 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng tại Hội AnSau khi ăn bánh mì Phượng tại Hội An, 31 người (trong đó có cả du khách) đã bị ngộ độc thực phẩm.
Tổng số bệnh nhân ngộ độc bánh mì Phượng đã tăng lên 141 ngườiSố bệnh nhân ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng ở Hội An đã tăng lên 141 người, trong đó có 34 người nước ngoài.