Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội gần đây tiếp nhận nhiều trẻ đến khám vì đau khớp gối kéo dài, làm hạn chế vận động. Kết quả kiểm tra cho thấy các bệnh nhi bị rách sụn chêm khớp gối.
Bé gái 7 tuổi L.N.L đi khám vì đau khớp gối trái một năm nay với tính chất đau âm ỉ và tăng lên rõ khi vận động. Tuy nhiên, khớp không sưng, không nóng đỏ, bệnh nhi không sốt, không gầy sút cân, không đau các khớp khác.
Gia đình đưa bé L. đi khám nhiều nơi và làm các xét nghiệm máu cho thấy trẻ không có tình trạng nhiễm khuẩn, X-quang khớp gối trái không phát hiện bất thường, siêu âm khớp gối trái có tràn dịch số lượng rất ít. Trẻ đã được điều trị thuốc giảm đau, corticoid và tiêm kháng sinh, có giảm đau nhưng không hết, còn hạn chế vận động khớp.
Bệnh nhân đến khám tại Khoa Nhi – Bệnh Viện Đại Học Y Hà Nội, bác sĩ ghi nhận trẻ đau khớp gối trái nhưng có tính chất đau cơ học và đau đơn độc một khớp duy nhất, toàn trạng trẻ vẫn phát triển tốt. Nhận thấy đây là trường hợp khó, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hà đã khai thác kỹ tiền sử của bệnh nhi phát hiện một năm trước, trẻ ngã đập gối trái xuống sàn nhà, sau đó đau và sưng khớp gối trái.
Bệnh nhân được chỉ định chụp MRI khớp gối trái. Kết quả ghi nhận bệnh nhân bị rách sụn chêm ngoài, mảnh rách lật vào ổ khớp tạo hình quai xô, đường rách mảnh thân và sừng sau sụn chêm trong, không thông với ổ khớp, tràn dịch khớp gối 8mm. Trẻ được chỉ định phẫu thuật nội soi khâu sụn chêm. Sau mổ, bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình và Khoa Nhi phối hợp theo dõi, bệnh nhân được tập phục hồi chức năng sớm sau mổ.
Một trường hợp khác là B.N.S.N, nam, 14 tuổi, đến khám tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vì đau khớp gối phải 3 tháng nay. Trẻ cũng đã đi khám nhiều nơi được chẩn đoán viêm khớp gối nhưng không đáp ứng với điều trị nội khoa.
Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bác sĩ đã khai thác kỹ tiền sử phát hiện 3 tháng trước, trẻ bước cầu thang bị trượt chân đập gối phải. Bệnh nhân được làm xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân và chụp MRI khớp gối phải. Kết quả bệnh nhân bị rách bán phần độ thấp ở bó sau 1/3 dưới dây chằng chéo trước, rách sụn chêm ngoài độ II. Sau đó, bệnh nhân được chỉ định mổ nội soi khớp gối sửa sụn chêm.
Bác sĩ khuyến cáo người dân, rách sụn chêm khớp gối là tổn thương dễ xảy ra do chấn thương khi chơi thể thao, tai nạn lao động hay sinh hoạt, rất dễ bỏ sót và nhầm lẫn với các bệnh lý khớp khác nếu như không khai thác kĩ tiền sử của bệnh nhân và được bác sĩ có kinh nghiệm thăm khám.
Khi trẻ có biểu hiện đau khớp nhất là khi đau khớp kéo dài, gia đình nên đưa con đến các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa và đầy đủ xét nghiệm để được chẩn đoán đúng. Rách sụn chêm khớp gối nếu được chẩn đoán và phẫu thuật kịp thời sẽ giúp phục hồi tốt vận động khớp gối, phòng tránh được các hậu quả sau này.
Kim Thu
Lý do bé 7 tuổi tăng huyết áp, phải ghép thận của chính mình
Gần một năm trước, cậu bé 7 tuổi liên tục bị đau đầu. Bác sĩ phát hiện em bị tăng huyết áp, chỉ số cao nhất ghi nhận là 170/80 mmHg.