Một số người lo lắng cơ thể có cồn nội sinh sẽ bị phạt vi phạm giao thông. Tuy nhiên, những trường hợp đó rất hiếm gặp.
Trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng ra quân kiểm tra vi phạm nồng độ cồn. Tôi không uống rượu khi tham gia giao thông nhưng đi qua các chốt vẫn lo lắng mình có cồn nội sinh hay không. Làm thế nào để phát hiện mình bị tình trạng này? Xin cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Văn Hóa – Thanh Xuân, Hà Nội)
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trả lời:
Các trường hợp có cồn nội sinh do bệnh tật bao gồm người bị ruột ngắn, phẫu thuật đường mật, ruột, xơ gan, đái tháo đường có vi khuẩn lên nấm men gluxit. Những người mắc bệnh lý như vậy không uống rượu vẫn có cồn nhưng rất hiếm.
Các trường hợp vi phạm nồng độ cồn nhưng không uống rượu có thể kiểm tra bằng xét nghiệm máu.
Hiện nay, kỹ thuật xác định cồn nội sinh cho bệnh nhân là thử định lượng nồng độ cồn trong máu. Bệnh nhân sẽ uống đường glucose khoảng 30 phút/lần. Nếu xét nghiệm có cồn trong máu thì đây là trường hợp có cồn nội sinh do bệnh lý. Xét nghiệm ở người khỏe mạnh sẽ không phát hiện ra cồn.
Theo quy định, nồng độ cồn khi tham gia giao thông phải ở mức tuyệt đối 0%. Theo tôi đây là ngưỡng phù hợp vì ở Việt Nam, tỷ lệ uống rượu bia quá nhiều. Nếu bạn uống rượu vì lý do công việc thì không nên tham gia giao thông.
Ngoài ra, nồng độ cồn trong thuốc siro hay các thuốc khác có ngưỡng nhất định, thường không thể lên nồng độ cồn qua khí thở.
Pháp luật hiện nay quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi 2021) đã quy định xử phạt đối với các hành vi liên quan đến điều khiển phương tiện khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Thực hư tin đồn hát karaoke giúp giảm nồng độ cồn nhanh hơnKhi uống rượu, bia, cồn sẽ hấp thụ vào máu, đào thải chủ yếu qua nước tiểu, một lượng nhỏ đào thải qua khí thở, mồ hôi. Do đó, một số người cho rằng việc hát karaoke sẽ giúp giảm nồng độ cồn nhanh hơn.