Những ngày tháng 4, thời tiết miền Bắc vẫn có thể chuyển lạnh khiến trẻ nhỏ dễ ốm và tiềm ẩn nguy cơ gặp những biến chứng nguy hiểm.
Gia tăng số trẻ đi khám do bệnh hô hấp
Theo thông tin từ khoa Nhi – Bệnh viện ĐKQT Bắc Hà, thời gian gần đây, thời tiết thay đổi đột ngột, nhiệt độ lạnh sâu, số bệnh nhi tới viện khám đã tăng lên gấp đôi. Hiện nay, trung bình một ngày khoa Nhi của bệnh viện tiếp nhận từ 50-60 lượt bệnh nhi đến khám, trong đó chủ yếu là các vấn đề về hô hấp.
BS. CKI Trần Thị Hoa – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện ĐKQT Bắc Hà cho biết, thời tiết thay đổi liên tục gần đây khiến số lượng bệnh nhi gặp các vấn đề về đường hô hấp tới khám gia tăng. Nhóm trẻ đã đi học mắc cúm A khá nhiều.
“Khoa chúng tôi đã ghi nhận một số trường hợp viêm phổi do virus. Có những trường hợp trẻ sốt cao tại nhà không hạ, xét nghiệm có sốt xuất huyết và cúm A. Số lượng bệnh nhân cúm A rất nhiều, có những bệnh nhân có biến chứng viêm phổi nặng. Đặc biệt, dù thời tiết lạnh sâu nhưng số bệnh nhân mắc cúm A tới khoa khám vẫn chưa giảm”, bác sĩ Hoa thông tin.
Theo bác sĩ Hoa, năm nay các dịch bệnh xuất hiện rải rác quanh năm và gối đầu nhau: đầu năm là viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae, sau đó tới dịch RSV, hiện nay là dịch cúm A.
Trong quá trình thăm khám và điều trị, bác sĩ Hoa nhận thấy đã có trường hợp viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae kháng thuốc, bệnh chuyển biến nặng. Ngay cả viêm đường hô hấp do RSV trước kia điều trị rất dễ, nhưng năm nay xảy ra hiện tượng kháng thuốc. Bệnh nhân chuyển nặng phải dùng khí dung, thuốc tiêm.
Bác sĩ Hoa khuyến cáo hiện nay, rất nhiều cha mẹ tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh khi con ốm sốt. Đây là một trong những sai lầm rất nghiêm trọng, gây ra tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ nhỏ. Khi bệnh nhân kháng kháng sinh, việc điều trị sẽ rất vất vả và đối diện với nhiều nguy cơ khó lường.
“Điển hình là một trường hợp bệnh nhân nhiễm Mycoplasma pneumoniae. Ở nhà, bệnh nhi chỉ ho, chảy nước mũi nên người nhà tự cho uống thuốc ho, thuốc chống viêm nhưng không đỡ. Sau hai tuần, bệnh nhi vẫn ho nhiều, mệt, mới được đưa tới viện khám. Kết quả chụp phim cho thấy bệnh nhân đã bị viêm mờ hết hai thuỳ phổi. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có tình trạng kháng thuốc nên bác sĩ đã phải thay đổi kháng sinh”, bác sĩ Hoa cảnh báo.
Dấu hiệu bệnh hô hấp chuyển nặng
Bác sĩ Hoa cho biết, không phải trẻ nào mắc bệnh đường hô hấp cũng phải nhập viện điều trị. Do vậy, khi trẻ ốm, việc đi khám sau đó chăm sóc trẻ tại nhà là rất quan trọng để trẻ nhanh chóng bình phục. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý tới dấu hiệu chuyển nặng của trẻ như: Trẻ ho nhiều, ho càng ngày càng tăng;Trẻ thở gắng sức, thở rút lõm ngực; Trẻ mệt nhiều; Trẻ sốt cao không thể cắt sau 24h hoặc 3 ngày dùng thuốc thì cần phải tới viện khám ngay.
Khi trẻ có một trong bốn triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa trẻ đi viện sớm để phòng ngừa biến chứng.
Cũng theo bác sĩ Trần Thị Hoa, khi trời trở lạnh, cha mẹ cần chú ý giữ gìn sức khoẻ cho con. Nếu thời tiết lạnh, cha mẹ cần mặc thêm quần áo cho trẻ, nóng thì cởi bớt đồ. Đặc biệt sau Tết, trời nồm ẩm khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn nên phụ huynh lưu ý chế độ ăn, vệ sinh cho trẻ cân đối. Hạn chế đưa trẻ tới nơi đông người, trong trường hợp nếu phải di chuyển cần mang khẩu trang. Khi trẻ có vấn đề ho, sốt thì cần phải đưa trẻ tới viện khám sớm.
Hồng Nhung