Trứng không làm tăng mỡ máu nhưng cách chế biến không phù hợp sẽ gây hại cho cơ thể của bạn.
Trứng là một trong những thực phẩm dùng chế biến nhiều món ăn khác nhau. Trứng bác vào bữa sáng có thể ổn định lượng đường trong máu đồng thời giúp bạn no tới tận bữa trưa. Món salad lành mạnh với trứng luộc cắt lát bổ sung thêm protein hằng ngày. Trứng cũng có thể làm nguyên liệu cho nem, canh, bánh ngọt…
Trước đây thường có tranh cãi về mối liên hệ giữa ăn nhiều trứng mỗi ngày và lượng cholesterol trong máu (mỡ máu). Theo Health Digest, một quả trứng có 186mg cholesterol trong khi các khuyến cáo trước đây hạn chế lượng cholesterol ở mức 300mg mỗi ngày.
Nhưng điều đó đã thay đổi. Theo Ủy ban Tư vấn Hướng dẫn Chế độ ăn uống Mỹ, không có đủ bằng chứng cho thấy cholesterol trong chế độ ăn uống làm tăng cholesterol trong máu. Tamar Samuels, chuyên gia dinh dưỡng tại Culina Health, cho biết hầu hết mọi người có thể dùng trứng như một phần của chế độ ăn có lợi cho tim mà không làm tăng mức cholesterol. Tuy nhiên, bạn phải xem xét cách nấu trứng và những thực phẩm kết hợp cùng.
Cách chế biến trứng tốt cho tim
Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho biết lo ngại thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao sẽ tác động lên cholesterol trong máu có thể do loại thực phẩm đó cũng chứa nhiều chất béo bão hòa. Chất béo bão hòa là thủ phạm dẫn đến cholesterol cao, gây ra mảng bám tích tụ trong thành động mạch.
Trong khi đó, những thực phẩm như trứng và động vật có vỏ có hàm lượng cholesterol cao và ít chất béo bão hòa.
Ngoài ra, cách chế biến cũng có thể phát sinh lượng chất béo bão hòa như kết hợp trứng với lạp xưởng, thịt xông khói, bơ.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyên người dân hãy tập trung vào các loại thực phẩm như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và protein nạc để tăng tỷ lệ chất béo không bão hòa. Những người khỏe mạnh có thể ăn một quả trứng mỗi ngày. Người ăn chay và người lớn tuổi không có cholesterol cao có thể ăn nhiều trứng hơn một chút. Tuy nhiên, những người có bệnh lý vẫn nên cẩn thận với thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao.
Chuyên gia Samuels nói rằng bạn có thể nấu trứng theo cách tốt cho sức khỏe: “Nếu bạn mắc bệnh tim, có nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường thì luộc hoặc rán trứng trong dầu ô liu là cách tốt nhất để giảm thiểu lượng chất béo bão hòa”.
Tác dụng của trứng
Bạn có thể ăn trứng hằng ngày khi mỗi quả chứa 72 calo, hơn 6g protein, chỉ hơn 1,6g chất béo bão hòa. Chuyên gia Samuels nói: “Trứng chứa một số vitamin và khoáng chất tăng cường sức khỏe, bao gồm vitamin B12, D, A, E, selen và choline”.
Bạn có thể ăn bao nhiêu lòng trắng tùy thích vì gần như không có chất béo và không có cholesterol. Nhưng bạn có thể bỏ lỡ một số chất dinh dưỡng nếu không ăn lòng đỏ. Bạn sẽ chỉ nhận được một nửa lượng protein trong lòng trắng trứng và bạn sẽ thiếu choline, chất hỗ trợ tâm trạng và trí nhớ của bạn. Chuyên gia Samuels thông tin: “Lòng đỏ cũng chứa lutein và zeaxanthin, hai chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe của mắt”.
Theo tạp chí Nutrients, trứng cũng có các hợp chất như ovotransferrin và ovomucoid bảo vệ cơ thể bạn chống lại stress oxy hóa. Protein peptide trong trứng có thể chống lại ung thư và lysozyme trong lòng trắng hỗ trợ điều trị viêm ruột. Enzyme trong trứng cũng hoạt động tương tự như chất ức chế ACE dùng để điều trị tăng huyết áp.
Những người không nên ăn cà chua
Cà chua là loại thực phẩm ít mất đi chất dinh dưỡng khi chế biến nhưng những người có vấn đề về dạ dày, sỏi thận nên hạn chế ăn.
Món ốc ngon, nhiều chất nhưng một số người cần tránh xa
Món ốc chứa nhiều chất lượng dinh dưỡng nhưng lượng purin, natri cao và có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.
Mỗi ngày bạn có thể ăn bao nhiêu quả trứng cút?
Trứng cút nhỏ hơn trứng gà nên bạn có thể ăn 6-12 quả mỗi ngày nhưng một số người vẫn cần thận trọng.